Cách dạy trẻ tập nói nhanh đơn giản mà hiệu quả


Khi nghe thiên thần nhỏ của mình cất lên những tiếng nói đầu tiên, chắc hẳn cha mẹ nào cũng vỡ òa hạnh phúc. Thế nhưng mẹ có biết rằng, quá trình nhận thức cũng như làm quen với ngôn ngữ của trẻ đã được diễn ra ngay từ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Sau khi chào đời, con đã bắt đầu hành trình tập nói theo từng giai đoạn khác nhau với sự đồng hành, hỗ trợ của bố mẹ.

Vì thế, mẹ cũng nên nắm được những cách dạy trẻ tập nói phù hợp để bé có thể tiếp thu một cách tốt nhất.

Thời điểm tập nói tốt nhất ở trẻ?

Nhiều người thường cho rằng để cho trẻ tập cười, tập lật, tập ngồi, sau đó mới đến tập nói. Điều này là không đúng, bởi trẻ có thể tập nói từ ngay khi còn trong bụng mẹ. Khi mang thai, bố mẹ cần thường xuyên tương tác với bé bằng cách trò chuyện với con, bé có thể chưa nói được nhưng lại có thể nhớ được giọng nói của bố mẹ và hình thành những khái niệm giao tiếp cơ bản.

Sau khi chào đời, bố mẹ có thể trò chuyện với bé mỗi ngày. Điều này sẽ giúp gắn kết tình cảm với bé, khiến bé vui vẻ và hơn hết là giúp bé được thực hành những điều bé đã được học khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, bố mẹ nên lựa chọn những từ ngữ phù hợp với từng giai đoạn phát triển, bắt đầu từ những từ dễ sau đó đến các từ khó hơn.


Trẻ có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ từ rất sớm

Đối với trẻ bắt đầu tập nói, bạn đã dạy con những từ ghép thì quả là một thử thách lớn với con. Bạn đầu, bạn hãy chọn những từ đơn, dễ nói và quen thuộc nhất để dạy trẻ, ví dụ như “bà, mẹ, bố…”. Khi đã thành thạo với những từ đơn, bạn hãy “nâng cấp” bài học này lên với những từ ghép hoặc các câu dài hơn. Các chuyên gia tin tưởng rằng, việc thường xuyên trò chuyện với con là một trong những cách hiệu quả nhất để làm nền tảng cho bài học tập nói cũng như sự khởi động đầu tốt đẹp trong cuộc sống.

Cách dạy trẻ tập nói hiệu quả

Để bố mẹ dễ dàng hơn trong việc tiến hành các cách dạy trẻ tập nói, dưới đây Elite Symbol đưa ra một vài gợi ý:

1. Tiếp chuyện bé

Trẻ thường “hóng chuyện” bố mẹ từ rất sớm. Biểu hiện cụ thể nhất chính là những âm thanh ‘ọ, ẹ” khi nghe người lớn nói chuyện với gương mặt hứng khởi và chờ đợi. Nếu bố mẹ cũng “ê, a” đáp lại con thì bé tiếp tục tạo ra những âm thanh của riêng mình một cách khá vui vẻ. Với cách tiếp chuyện như thế, cả bố mẹ và bé đều có cơ hội để giao tiếp, tương tác với nhau, đặc biệt là các bé sẽ chăm chú để “bắt chước” lại các âm thanh của mẹ.

2. Trả lời tiếng khóc của bé

Trước khi nắm bắt được từ vựng và sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt mong muốn thì bé sẽ dùng tiếng khóc để giao tiếp với mẹ. Vì thế, khi con khóc, thay vì làm ngơ mẹ hãy đáp lại bé bằng những lời hỏi han, vỗ về, âu yếm. Khi đó, bé sẽ cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm của mẹ. Bên cạnh việc vồ về, bạn cũng hãy tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao con khóc, vì con đói, con mệt, hay khó chịu… để khắc phục ngay tình trạng này.


Vỗ về, quan tâm và theo sát từng bước phát triển của con

3. Không bắt chước ngôn ngữ của bé

Trẻ tập nói thường có xu hướng nói ngọng, nói không chuẩn như: từ “mẹ” thành “mệ” hay “uống nước” thành “uốn nướt”… Nhiều người thường cảm thấy cách nói này rất đáng yêu và nhại lại câu nói của con, vô tình khiến bé nói không chuẩn và thành tật khó sửa. Vì thế, ngay khi con phát âm sai, mẹ hãy nói lại từ đúng và chỉnh cho bé tức thì.

4. Trở thành người bạn đồng hành của bé

Hiểu một cách đơn giản đó là mẹ hãy dành nhiều thời gian để giao tiếp với bé một cách thoải mái và tự nhiên. Đừng bao giờ suy nghĩ rằng con còn nhỏ và không hiểu gì mà hãy tâm tình với con như những người bạn thân thiết.

Các bé đều có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ từ rất sớm trước khi hiểu chúng và nói được chúng. Càng được sống trong môi trường ngôn ngữ đa dạng, con lại càng nhanh biết nói một cách tự nhiên. Khi mẹ cùng bé trò chuyện, bạn nên ngắt quãng để xem phản ứng từ bé có đang quan tâm hay không.

5. Nói với bé hành động của mẹ

Có thể con sẽ chẳng hiểu bạn đang nói điều gì nhưng chúng sẽ có phản ứng khá nhanh một số cụm từ thân thuộc từ câu nói của mẹ. Trước khi bế bé, mẹ hãy giang rộng tay và nói: “Để mẹ bế Bin nào”.


Nói chuyện với bé về những hoạt động hằng ngày của mẹ

Hoặc trong lúc thay tã cho con, mẹ có thể vừa làm, vừa nói: “Mẹ sẽ bỏ tã ướt và thay cho con tấm tã khô nhé”. Cách làm này sẽ khiến bé hiểu được hành động nào sẽ diễn ra khi mẹ có cử chỉ giang tay hay đặt bé xuống giường và chuẩn bị tã…

6. Đọc cho bé nghe

Trong giai đoạn đầu đời, việc đọc sách cho con nghe không phải là để bé hiểu câu chuyện hay những bài học trong đó. Khi bạn cùng bé đọc sách, bạn hãy miêu tả bức tranh theo cách mà mình muốn, không nhất thiết phải liên quan đến câu chuyện. Những câu nói này sẽ kích thích sự tò mò của bé để sau này bé có thể tự sáng tạo nên những câu chuyện của chính mình.

Khi đọc sách cho bé, mẹ nên đọc to, rõ ràng và phát âm phải đúng để những ngôn ngữ con tiếp nhận được sẽ thật chuẩn xác. Dù bạn chọn cuốn sách nào đi nữa, thì việc đọc cho bé nghe cũng có thể truyền cảm hứng cho việc sử dụng vốn từ và hỗ trợ rất tốt trong việc dạy con tập nói.

Bên cạnh những cách dạy trẻ tập nói được nhắc đến ở trên, bạn có thể tìm hiểu thêm cho mình về một cách khác như: cho bé gặp gỡ nhiều người hay hát cho trẻ nghe và dạy trẻ hát… Điều này cũng giúp ích rất nhiều giúp trẻ tập nói nhanh và tốt hơn.

Chúc bạn thành công!